Vàng theo quy định của pháp luật được coi là một loại tài sản. Cá nhân được quyền sở hữu loại tài sản này. Thế nên giao dịch cho vay vàng giữa các cá nhân với nhau trong xã hội hiện nay cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản là vàng đường lối giải quyết vẫn còn khác nhau. Vấn đề chính là vay vàng thì khi giải quyết Tòa án yêu cầu trả lại vàng hay quy đổi vàng thành tiền.
1. Cho vay mượn vàng được không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cụ thể như sau:
Nguyên tắc quản lý
“1. Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên, cá nhân được sở hữu vàng hợp pháp và được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu.
Cá nhân sở hữu vàng hợp pháp phải tuân thủ một số quy định sau đây:
– Không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán (Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)
– Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu.
Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh (Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN)
– Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; trường hợp tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan (Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-NHNN).
Theo đó, hiện tại không có quy định nào cấm cá nhân vay mượn vàng thuộc sở hữu hợp pháp của mình, nói cách khác, cá nhân có thể cho vay mượn vàng mà mình sở hữu hợp pháp.
2. Vay mượn vàng, trả theo giá vàng hiện hành hay giá vàng lúc vay mượn?
Do pháp luật không cấm cá nhân sở hữu hợp pháp cho vay mượn vàng nên các bên có thể cho vay mượn vàng và bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
“Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, khi vay mượn vàng, bên vay mượn có nghĩa vụ phải trả đủ khi đến hạn và phải trả cùng loại vàng, đúng số lượng, chất lượng như lúc vay mượn.
Trường hợp bên vay không thể trả vàng thì có thể thỏa thuận về việc trả tiền nhưng phải đảm bảo trả theo giá vàng tại địa điểm và thời điểm trả nợ.
3. Lãi suất cho vay được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay, cụ thể như sau:
“Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Theo quy định trên, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Lưu ý: Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Khi các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.
4. Vụ án minh họa
Năm 2004, bà A cho bà B vay 20 chỉ vàng 24K. Theo thỏa thuận hàng tháng bà B phải đóng lãi cho bà A 01 chỉ vàng 24K. Thời gian trả là không xác định thời hạn. Năm 2019, bà B cần tiền nên có yêu cầu bà A phải trả lại 20 chỉ vàng đã mượn. Hạn chót là cuối năm 2019. Tuy nhiên do bà B không trả được vàng theo yêu cầu của bà A nên bà A khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện X yêu cầu bà B trả số 20 chỉ vàng, không yêu cầu tính lãi. Quá trình giải quyết, bà B thừa nhận còn nợ bà A 20 chỉ vàng nhưng cho rằng đã đóng lãi cho bà A quá nhiều nên không đồng ý trả vàng theo yêu cầu của bà A. Qua vụ án này có các quan điểm giải quyết vụ án như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24/2012/NĐ-CP) thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng và cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Cho nên nguyên đơn cho bị đơn vay vàng khi chưa được cấp giấy phép là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Tòa án không được tuyên buộc bị đơn trả vàng cho nguyên đơn mà phải quy đổi vàng thành tiền tại thời điểm xét xử. Sau đó, Tòa án buộc bị đơn trả tiền cho nguyên đơn tương ứng với số vàng mà bị đơn có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn. Đồng thời tuyên buộc bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong giai đoạn thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại Điều 4 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có quy định “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có quy định tại Điều 1 như sau: “Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng”. Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động cho vay vàng giữa cá nhân với cá nhân không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Tại Điều 19 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng có quy định rõ hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm: “Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp; Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này; Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép; Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan”. Như vậy, cho đến nay không có văn bản hay quy định nào cấm việc cá nhân cho vay vàng.
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 thì đến hạn trả, bên vay có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải chỉ trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Do đó, Tòa án phải giải quyết buộc bà B phải có nghĩa vụ trả cho bà A số vàng còn nợ là 20 chỉ vàng 24K (do bà B thừa nhận có nợ). Tuy nhiên, Tòa án cần quy đổi mỗi chỉ vàng 24K tại thời điểm xét xử là bao nhiêu để làm căn cứ tính tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn trong giai đoạn thi hành án.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Tòa án chỉ được quyền buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số vàng còn nợ. Nhưng Tòa án không được quyền buộc bị đơn phải chịu lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn. Do pháp luật không có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả vàng mà chỉ có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi thêm. Qua bài viết này, tác giả cũng kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn hoặc giải đáp nghiệp vụ về đường lối giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản là vàng để Tòa án địa phương vận dụng áp dụng pháp luật cho thống nhất.
|
Luật sư Hà Công Nam là một trong những luật sư giỏi tại Hà Nội và Phú Quốc. Luật sư Hà Công Nam được biết đến nhiều là Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi thành công cho nhiều khách hàng trong các vụ án. Với hơn 10 năm hoạt động, Luật sư Hà Công Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật khác nhau như Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp, Đất đai Đầu tư M&A, Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Hôn nhân gia đình, v.v. |