1. Về Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự.
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án, thì:
” 1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn; Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Hiện nay, thời hiệu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định của Chính phủ số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo các quy định này thì việc tính thời hiệu yêu cầu Thi hành án dân sự như sau:
– Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp Bản án, Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật.
– Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án.
– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau:
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được Bản án, Quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của Cơ quan xét xử, Cơ quan Thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn (điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định của chính Phủ số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự).
– Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh. Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, phải nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh quy định trong từng trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có;
- Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
- Đối với trường hợp do lỗi của Cơ quan xét xử, Cơ quan Thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra Bản án, Quyết định, Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền;
- Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp thì phải có văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án;
- Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
– Khi nhận được đơn của đương sự và các tài lệu kèm theo, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự phải xem xét lý do của việc yêu cầu thi hành án quá hạn. Nếu việc yêu cầu thi hành án quá hạn do sự kiện bất khả kháng hoặc gặp trở ngại khách quan thì Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp việc yêu cầu thi hành án quá hạn không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản… Do đó, Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền những Bản án, Quyết định này để tổ chức thi hành án. Theo quy định tại Điều 485 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 28 Luật Thi hành án dân sự và Điều 51 Luật Trọng tài thương mại thì việc chuyển giao Bản án, Quyết định cho Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền được thực hiện sau:
- Đối với Bản án, Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án đã ra Bản án, Quyết định phải chuyển giao cho Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra Bản án, Quyết định;
- Đối với quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án, Trọng tài đã ra quyết định phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định;
- Đối với Bản án, Quyết định khác thì Tòa án đã ra Bản án, Quyết định phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra Bản án, Quyết định.
– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao Bản án, Quyết định cho Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan. Theo quy định tại Điều 29 Luật Thi hành án dân sự, khi nhận Bản án, Quyết định do Tòa án, Trọng tài thương mại chuyển giao, Cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận Bản án, Quyết định, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành Bản án, Quyết định và Cơ quan Thi hành án dân sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức đã ra Bản án, Quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong Bản án, Quyết định để thi hành (Điều 19 Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiển sát nhân dân tối cao số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về Thủ tục thi hành án dân sự). Việc yêu cầu giải thích Bản án, Quyết định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp vụ viêc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Văn bản trả lời của Tòa án, Trọng tài thương mại là căn cứ để Cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án dân sự, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành.
- Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì Cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có.Trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án.
- Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.
Lưu ý, trường hợp hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì Cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
2. Về hồ sơ yêu cầu thi hành án và thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án.
Tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án, thì thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án như sau:
“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp Bản án, Quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; d) Nội dung yêu cầu thi hành án;đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; e) Ngày, tháng, năm làm đơn; g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì Cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
4. Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.
5. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này; b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Như vậy, Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đương sự bao gồm Người được thi hành án và Người phải thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự hoặc ủy quyền cho luật sư để yêu cầu thi hành án.
Hiện nay có ba hình thức yêu cầu thi hành án, đó là:
– Trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án;
– Trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói;
– Gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường Bưu điện. Người yêu cầu thi hành án phải nộp Bản án, Quyết định, các tài liệu khác có liên quan cho Cơ quan Thi hành án.
Đối với trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án thì cần phải có đầy đủ các nội dung như quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án. Mẫu đơn chi tiết có thể tham khảo tại Mẫu số: D 04-THADS Ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
Trường hợp Người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói thì Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ lập biên bản có các nội dung như đơn yêu cầu thi hành án, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Trường hợp gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường Bưu điện thì cần phải có đầy đủ các nội dung như trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp; biên lai gửi Bưu điện là căn cứ xác định thời gian nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hạn 05 ngày làm việc Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Quyết định thi hành án có thông tin về người thi hành án, nội dung phải thi hành án và phân công Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Người thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo về quyết định thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự tổ chức thi hành án dân sự:
Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan thi hành án dân sự theo sơ đồ ban hành tại Quyết định 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 như sau:
Bước 1: Thụ lý thi hành án dân sự
– Tiếp nhận yêu cầu thi hành án dân sự, bản án, hồ sơ ủy thác thi hành án dân sự.
– Kiểm tra, xử lý yêu cầu thi hành án dân sự, bản án, hồ sơ ủy thác thi hành án dân sự.
– Ra quyết định thi hành án dân sự, phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Bước 2: Tổ chức thi hành án dân sự
– Lập hồ sơ thi hành án dân sự.
– Thông báo về thi hành án dân sự.
– Xác minh Điều kiện thi hành án dân sự.
– Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án dân sự, công khai thông tin của người phải thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành án dân sự.
– Tạm đình chỉ thi hành án dân sự.
– Đình chỉ thi hành án dân sự.
– Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
– Kiến nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
– Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.
– Ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự.
– Tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
– Thực hiện thẩm định giá tài sản.
– Thực hiện bán đấu giá tài sản.
– Tiêu hủy vật chứng; xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước.
– Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự.
– Thu tiền, thanh toán tiền thi hành án dân sự; thu phí thi hành án dân sự.
– Xác nhận kết quả thi hành án dân sự.
– Rà soát hồ sơ thi hành án dân sự.
Bước 3: Thẩm tra, lưu trữ hồ sơ thi hành án dân sự
– Thẩm tra hồ sơ thi hành án dân sự.
– Lưu trữ hồ sơ thi hành án dân sự.
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ |
TỔNG ĐÀI TOÀN QUỐC: 1900 63 62 79 |
Luật sư Hà Công Nam là một trong những luật sư giỏi tại Hà Nội và Phú Quốc. Luật sư Hà Công Nam được biết đến nhiều là Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi thành công cho nhiều khách hàng trong các vụ án. Với hơn 10 năm hoạt động, Luật sư Hà Công Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật khác nhau như Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp, Đất đai Đầu tư M&A, Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Hôn nhân gia đình, v.v |