Trình tự, thủ tục nhượng quyền thương mại trong nước theo quy định pháp luật hiện hành

1. Điều kiện đối với bên nhượng quyền được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với Bên nhượng quyền như sau:

Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm

2. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại theo quy định pháp luật

Căn cứ Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại như sau:

Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Nội dung của quyền thương mại.

– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.

– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.

– Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.

– Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

– Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Điều kiện nhượng quyền thương mại - Đăng ký bảo hộ thương hiệu

3. Các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền

Căn cứ khoản 2 điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP quy định về các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền như sau:

– Các trường hợp sau không phải đăng ký nhượng quyền:

+ Nhượng quyền trong nước;

+ Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.

– Đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.

Như vậy theo quy định trên đổi với trường hợp của bạn là nhượng quyền trong nước cho nên thuộc trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên đối với các trường hợp không đăng ký nhượng quyền thì phải thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công Thương.

4. Chuyển giao quyền thương mại theo quy định pháp luật

Căn cứ Điều 15 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về việc chuyển giao quyền thương mại như sau:

– Bên nhận quyền được chuyển giao quyền thương mại cho bên dự kiến nhận quyền khác khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

+ Bên dự kiến nhận chuyển giao đáp ứng các quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

+ Được sự chấp thuận của Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình (sau đây gọi tắt là Bên nhượng quyền trực tiếp).

– Bên nhận quyền phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc chuyển giao quyền thương mại cho Bên nhượng quyền trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Bên nhận quyền, Bên nhượng quyền trực tiếp phải có văn bản trả lời trong đó nêu rõ:

+ Chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền;

+ Từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền theo các lý do quy định tại khoản 3 Điều này.

Trong thời hạn 15 ngày nêu trên, nếu Bên nhượng quyền trực tiếp không có văn bản trả lời thì được coi là chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền.

– Bên nhượng quyền trực tiếp chỉ được từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền khi có một trong các lý do sau đây:

+ Bên dự kiến nhận chuyển giao không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà bên dự kiến nhận chuyển giao phải thực hiện theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

+ Bên dự kiến nhận chuyển giao chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của Bên nhượng quyền trực tiếp;

+ Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại;

+ Bên dự kiến nhận chuyển giao không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của Bên nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

+ Bên nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Bên nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp bên dự kiến nhận chuyển giao cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho Bên nhận quyền.

– Bên chuyển giao quyền thương mại mất quyền thương mại đã chuyển giao. Mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền thương mại của Bên chuyển giao được chuyển cho Bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp có thoả thuận khác.