1. Quy định về cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mức cấp dưỡng:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định trên, tiền trợ cấp nuôi con sau khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tiền trợ cấp nuôi con sau ly hôn dựa vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Như vậy, tiền trợ cấp nuôi con sau khi ly hôn có thể được thay đổi nếu có lý do chính đáng và có sự thỏa thuận của cha mẹ hoặc quyết định của Tòa án.
2. Cha mẹ phải cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con bao nhiêu tuổi?
Căn cứ Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Căn cứ Điều 20 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định người thành niên:
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, cha mẹ phải cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Trường hợp con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì cha mẹ vẫn phải cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
3. Đối tượng nào có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện?
Căn cứ Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Theo đó, người có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, bao gồm:
– Người được cấp dưỡng;
– Cha hoặc mẹ của người được cấp dưỡng;
– Người giám hộ của người được cấp dưỡng;
– Người thân thích;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Ngoài ra, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị các cơ quan sau yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.