Tiền thưởng của người lao động được trích lập từ lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (theo văn bản 183/TTr-THGS 2022).
1. Tiền thưởng của người lao động theo luật lao động mới nhất
Nội dung được đề cập tại Công văn 183/TTr-THGS năm 2022 về thực hiện các quy định của pháp luật lao động về tiền lương làm thêm giờ do Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo Thanh tra Bộ LĐTBXH, để xác định tiền lương hay tiền thưởng phải căn cứ vào bản chất và nguồn gốc hình thành quỹ tiền lương và quỹ tiền thưởng của doanh nghiệp, cụ thể:
– Về tiền lương: là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận, được tính vào giá thành sản phẩm và được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Những khoản chi từ quỹ tiền lương của doanh nghiệp được tính để làm căn cứ tính trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
– Về tiền thưởng: được trích lập từ lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Khoản tiền được trích từ quỹ khen thưởng để chi thưởng cho người lao động và chi các phúc lợi xã hội khác theo Quy chế của doanh nghiệp không tính vào tiền lương để làm căn cứ tính tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
Trong đó, thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 thì cần phải xác định rõ đó là tiền thưởng được trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi của doanh nghiệp như đã nêu ở trên.
2. Quy định về thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019
Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng của người lao động như sau:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
“Trước đây, tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về tiền thưởng như sau:
– Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
– Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”
3. Thưởng là nội dung thương lượng tập thể
Theo Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:
– Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
– Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
– Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
– Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
– Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
– Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
– Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
|
Luật sư Hà Công Nam là một trong những luật sư giỏi tại Hà Nội và Phú Quốc. Luật sư Hà Công Nam được biết đến nhiều là Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi thành công cho nhiều khách hàng trong các vụ án. Với hơn 10 năm hoạt động, Luật sư Hà Công Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật khác nhau như Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp, Đất đai Đầu tư M&A, Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Hôn nhân gia đình, v.v. |