Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại

Hợp đồng là hình thức giao kết được các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Khi các bên ký kết hợp đồng được hiểu là các bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, tuy nhiên không phải lúc nào các thỏa thuận này cũng được thực hiện đúng theo những gì đã được quy định trong hợp đồng. Trên thực tế, việc tranh chấp do không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng giữa các bên diễn ra mang tính phổ biến.

Tòa án và Trọng tài thương mại là hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng phát sinh từ hoạt động thương mại. Xu hướng hiện nay, trong hợp đồng các doanh nghiệp thường lựa chọn Trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là văn bản pháp luật hiện hành quy định các vấn đề về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thì các bên trong hợp đồng phải đáp ứng điều kiện và thực hiện các thủ tục sau:

1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại.

– Các bên trong hợp đồng phải có thỏa thuận về việc khi hợp đồng xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài, thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xẩy ra tranh chấp.

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại

Khi thực hiện việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài các bên sẽ phải trải qua các quy trình, thủ tục như sau:

2.1. Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo.

Điều 30, Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo như sau:

1. Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;

c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;

d) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;

đ) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;

e) Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.”

2.2. Bị đơn nộp bản tự bảo vệ

Khi nguyên đơn gửi đơn khởi kiện và hồ sơ tài liệu kèm theo đến Trung tâm trọng tài thì đồng thời cũng phải gửi cho bị đơn một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm đơn khởi kiện và hồ sơ tài liệu kèm theo. Sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên, tùy trường hợp vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng Trung tâm trọng tài hay Trọng tài vụ việc.

2.3. Thành lập Hội đồng trọng tài

Điều 39, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quy định về thành phần Hội đồng trọng tài như sau:

1. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.

2. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.”

2.4. Hòa giải

Cũng giống như việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thủ tục hòa giải giữa các bên cũng sẽ được Hội đồng trọng tài thực hiện trước khi tiến hành phiên họp giải quyết.

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

2.5. Mở phiên họp giải quyết tranh chấp

Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.

 Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.

2.6. Hội đồng trọng tài ra phán quyết.

Dựa trên kết quả của phiên họp giải quyết tranh chấp, căn cứ sự trình bày, bảo vệ của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ ra phán quyết dựa trên các nguyên tắc sau:

– Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

– Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

3. LUẬT NAM BÌNH cung cấp dịch vụ tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại như sau:

Bước 1: LUẬT NAM BÌNH tư vấn, kiểm tra, đánh giá xác định tranh chấp hợp đồng của khách hàng có đủ điều kiện để giải quyết bằng hình thức trọng tài hay không.

Bước 2: LUẬT NAM BÌNH tư vấn, soạn hồ sơ khởi kiện, chuẩn bị các tài liệu chứng minh cho việc khởi kiện của khách hàng. Tư vấn, hỗ trợ khách hàng thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc khởi kiện.

Bước 3: LUẬT NAM BÌNH tham gia vào các phiên hòa giải cùng khách hàng để thực hiện việc đàm phán, thương lượng với một bên còn lại trong hợp đồng.

Bước 4: LUẬT NAM BÌNH trực tiếp tham gia vào phiên họp giải quyết vụ việc tranh chấp để đại diện thay mặt khách hàng tham gia các hoạt động tố tụng Trọng tài tại phiên họp.

Bước 5: LUẬT NAM BÌNH tư vấn và thực hiện các thủ tục cho khách hàng sau khi có phán quyết trọng tài như: thủ tục yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài tại Tòa án hoặc yêu cầu thi hành phán quyết Trọng tài tại cơ quan thi hành án.

Vui lòng liên hệ với LUẬT NAM BÌNH để được tư vấn các Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại.