1. Phụ cấp thâm niên vượt khung
Phụ cấp thâm niên vượt khung được áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo: (1) Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn); (2) Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; (3) Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; (3) Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân; (4) Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Tuỳ theo vị trí, thâm niên công tác mà mức phụ cấp được tính theo tỷ lệ % mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch.
2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo
Đây là loại phụ cấp áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm. Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
3. Phụ cấp khu vực
Phụ cấp khu vực áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu. Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương cơ sở. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.
4. Phụ cấp đặc biệt
Áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
5. Phụ cấp thu hút
Loại phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 4 mức: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp 3-5 năm.
6. Phụ cấp lưu động
Phụ cấp lưu động áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở. Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở.
7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Đây là loại phụ cấp áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương. Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.
8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc
Loại phụ cấp này bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, Phụ cấp trách nhiệm công việc, Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh. Tuỳ theo vị trí được quy định tại Điều 6 Nghị định 204/2004 mà được hưởng mức phụ cấp theo mức lương cơ sở.
9. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Luật BHXH 2014 quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Do đó, khi tăng lương cơ sở thì khoản trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi cũng sẽ tăng theo.
10. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản
Hiện nay, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, khi tăng lương cơ sở từ lên 1,8 triệu đồng, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản sẽ tăng từ 447 ngàn đồng lên 540 ngàn đồng.
11. Trợ cấp khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở (tức tăng thêm 1,55 triệu đồng từ ngày 1-7), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở (tức tăng thêm 93 ngàn đồng/tháng từ ngày 1-7), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài ra còn một số khoản trợ cấp tính theo lương cơ sở như trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật…