Ngày 02/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính để lấy ý kiến.
Tại dự thảo đang lấy ý kiến lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất in mã QR trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây được xem là một điểm mới vì trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có mã vạch truyền thống.
1. Mã QR code là gì?
Mã QR Code hiện nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người, trong mọi hoạt động từ việc thanh toán, đăng nhập vào các trang điện tử thì việc bắt gặp những mã QR là không khó. Với những tính năng tiện lợi, mã QR đã dần được đưa vào trong các giấy tờ cá nhân, hành chính…
QR Code (mã QR): viết tắt của Quick response code (Tạm dịch: Mã phản hồi nhanh), hoặc có thể gọi là Mã vạch ma trận (Matrix-barcode) hay Mã vạch 2 chiều (2D). Đây là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được.
QR Code được tạo ra bởi Denso Wave (công ty con của Toyota) và xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994. QR Code bao gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng, có thể chứa những thông tin như URL, thời gian, địa điểm của sự kiện, mô tả, giới thiệu một sản phẩm nào đó,…
QR Code cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị khác nhau như máy đọc mã vạch hoặc điện thoại có camera với ứng dụng cho phép quét mã, vô cùng tiện lợi cho người dùng.
2. Quy định về mẫu giấy chứng nhận
Theo Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về mẫu giấy chứng nhận có nêu rõ như sau:
Mẫu Giấy chứng nhận
1. Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
a) Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trang 2 in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
c) Trang 3 in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
d) Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;
đ) Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận;
e) Nội dung của Giấy chứng nhận quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai) tự in, viết khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.
2. Nội dung và hình thức cụ thể của Giấy chứng nhận quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này được thể hiện theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Tuy nhiên, theo Điều 3 Dự thảo Thông tư Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính thì mẫu giấy chứng nhận như sau:
Mẫu Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
1. Trang 1 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung:
a) Quốc hiệu;
b) Quốc huy;
c) Mã QR code;
d) Tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ;
đ) Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”;
e) Mục “2. Thông tin thửa đất”;
g) Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất”;
h) Mục “4. Ghi chú”;
i) Mục “5. Sơ đồ thửa đất”;
k) Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận;
l) Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận.
2. Trang 2 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung:
a) Mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”;
b) Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
3. Nội dung và hình thức cụ thể của Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thể hiện theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì mẫu sổ đỏ sẽ không có mã QR và sẽ có 4 trang trên mẫu sổ đỏ.
Tuy nhiên, mẫu sổ đỏ theo đề xuất mới của dự thảo sẽ có mã QR và sẽ có 2 trang.
3. Đề xuất mã QR code trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào?
Theo dự thảo, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới sẽ chỉ còn 02 trang thay vì 04 trang như trước kia và mã QR được in ở trên cùng, góc phải trang một, theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mã QR giúp người dân tra cứu thông tin được in trên giấy chứng nhận và thông tin phản hồi nhằm chống làm giả.
Bên cạnh đó, mẫu giấy chứng nhận mới cũng có nhiều thay đổi mới, trước đây mẫu cũ đa phần thông tin trong giấy nằm ở trang hai và ba thì theo đề xuất sẽ được chuyển ra trang một.
Có thể thấy, việc xuất hiện mã QR trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một bước cải tiến mới để phù hợp với sự phát triển chung của quá trình chuyển đổi số cùng với việc nâng cao tính bảo mật cũng như an toàn thông tin đối với nhiều trường hợp làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay.
Đồng thời, cùng là mã vạch nhưng QR Code lại là phiên bản cải tiến hơn rất nhiều so với mã vạch truyền thống. Nếu mã vạch truyền thống được thể hiện dưới là một dãy các vạch được xếp liền kề nhau, chỉ chứa được tối đa 20 ký tự số thì mã QR có khả năng chứa tối đa 7.089 ký tự số và 4.296 ký tự chữ số.Điều này cho phép lượng thông tin lưu trữ nhiều hơn, hỗ trợ tốt hơn trong việc tra cứu thông tin.
Hơn hết, mã QR còn mang tính thẩm mỹ cao, nhỏ gọn hơn mã QR truyền thống. Đặc biệt, việc tra cứu mã QR cũng khá nhanh chóng nên sẽ giúp cho quá trình tra cứu thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các cơ quan, cá nhân sẽ nhanh chóng cũng như tích hợp được nhiều tiện ích hơn
4. In ấn phôi giấy chứng nhận thuộc trách nhiệm của cơ quan nào?
Theo Điều 4 Dự thảo Thông tư Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính thì việc in ấn, phát hành và quản lý việc sử dụng phôi giấy chứng nhận như sau:
In ấn, phát hành và quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận
1. Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai có trách nhiệm:
a) Xây dựng quy định về yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận; tổ chức việc in ấn, phát hành phôi Giấy chứng nhận cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương sử dụng;
b) Lập và quản lý sổ theo dõi phát hành phôi Giấy chứng nhận;
c) Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở các địa phương.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Lập kế hoạch sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương gửi về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 31 tháng 10 hàng năm;
b) Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở địa phương;
c) Tổ chức tiêu hủy phôi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận đã in hoặc viết bị hư hỏng theo quy định của pháp luật về lưu trữ;
d) Báo cáo định kỳ tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.
3. Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng phôi Giấy chứng nhận trước ngày 20 tháng 10 hằng năm;
b) Tiếp nhận, quản lý, lập sổ theo dõi nhận, cấp phát và sử dụng phôi Giấy chứng nhận;
c) Thường xuyên tự kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận để bảo đảm sự thống nhất giữa sổ theo dõi và phôi Giấy chứng nhận thực tế đang quản lý, đã sử dụng;
d) Tập hợp, quản lý các phôi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận đã in hoặc viết bị hư hỏng gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức tiêu hủy;
đ) Báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận về Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 06 tháng trước ngày 20 tháng 6, định kỳ hằng năm trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.
Như vậy, việc in ấn phôi giấy thuộc trách nhiệm của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai theo đề xuất mới.
5. Kích thước của sổ đỏ mới sẽ lớn hơn?
Theo Điều 3 Dự thảo Thông tư Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính thì định mẫu giấy chứng nhận như sau:
Mẫu Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
…
Như vậy, kích thước của sổ đỏ mới theo dự thảo sẽ là 210mm x 297mm lớn hơn kích thước tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT là 190mm x 265mm.
|
Luật sư Hà Công Nam là một trong những luật sư giỏi tại Hà Nội và Phú Quốc. Luật sư Hà Công Nam được biết đến nhiều là Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi thành công cho nhiều khách hàng trong các vụ án. Với hơn 10 năm hoạt động, Luật sư Hà Công Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật khác nhau như Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp, Đất đai Đầu tư M&A, Thương mại, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Hôn nhân gia đình, v.v. |