1. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?
Theo Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
2. Xử phạt hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại có điểm chung là đều mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, mục đích là khác nhau, mang thai hộ vì mục đích thương mại là nhằm hưởng một lợi ích nào đó về tiền hay vật chất,… còn mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ nhằm giúp đỡ cặp vợ chồng không thể có con được làm cha mẹ. Chính vì vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điểm g Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Như vậy, mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. Cụ thể tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Theo quy định trên thì người nào thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.
3. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nê, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những phương pháp mà cặp vợ chồng không thể có con nghĩ đến. Vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần đáp ứng điều kiện gì?
Thứ nhất, vợ chồng nhờ người mang thai hộ cần có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:
– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Vợ chồng đang không có con chung;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Thứ hai, người mang thai hộ cần đáp ứng các điều kiện sau đây (Khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014):
– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Như vậy, người nào thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.