Đất ao thường có ở các vùng nông thôn, các khu ngoại thành, được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo. Vậy, đất ao có được cấp Sổ đỏ không? Bài viết sau sẽ giải đáp rõ về vấn đề này.
1. Đất ao là gì? Có được cấp Sổ đỏ không?
Pháp luật hiện nay chưa có nhiều quy định trực tiếp liên quan đến đất ao. Theo cách hiểu thông thường và thực trạng sử dụng đất hiện nay, đất ao là khu đất trũng sâu xuống, có nước đọng lại, được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo.
Đất ao thường được xác định thuộc nhóm đất nông nghiệp dùng để chăn nuôi thủy sản, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trường hợp đất ao được xác định là đất ở khi phần diện tích đất ao ở trong cùng một thửa đang có nhà ở (căn cứ Điều 103 Luật Đất đai 2013).
Tương tự như các loại đất khác đất ao khi đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật thì được xem xét cấp Sổ đỏ. Theo đó, để được cấp Sổ đỏ đối với đất ao cần đảm bảo các điều kiện:
– Đất ao không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai
– Đất không có tranh chấp.
– Thuộc đối tượng được cấp Sổ đỏ theo quy định…
2. Hồ sơ cấp Sổ đỏ cho đất ao gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ cấp Sổ đỏ cho đất ao gồm các giấy tờ sau đây:
– Đơn đề nghị đăng ký cấp giấy chứng nhận;
– Văn bản xác nhận đã đăng ký đất đai (nếu có);
– Biên lai/hóa đơn kê khai, đóng nộp thuế với Nhà nước (nếu có);
– Giấy tờ tùy thân của người sử dụng đất (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu);
– Giấy tờ về tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng diện tích đất bao gồm cả phần diện tích đất ao;
– Giấy tờ về đo đạc, tách thửa đất trong trường hợp diện tích đất ao có nguồn gốc từ việc tách thửa;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh được miễn, giảm tiền sử dụng đất (nếu có);
3. Thủ tục làm Sổ đỏ đất ao thế nào?
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, căn cứ theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất ao được thực hiện theo các bước sau:
Bước 01: Nộp hồ sơ
Nơi nộp hồ sơ:
– UBND cấp xã nơi có đất (nếu có nhu cầu); hoặc
– Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối; hoặc
– Bộ phận một cửa cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Trong 03 ngày làm việc phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.
– Nếu hồ sơ đầy đủ: Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận.
– Viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
– Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
– Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Chỉ được nhận Giấy chứng nhận khi đã nộp xong các khoản tiền, trừ trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất.
Bước 4. Trả kết quả
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.
* Về thời gian giải quyết
Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian giải quyết như sau:
– Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.