1. Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là những ai?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2020/NQ-HDTP về đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ, cụ thể:
Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
1. Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
2. Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo đó, đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ bao gồm nguyên đơn; bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại.
2. Quy định về nghĩa vụ cung cấp địa chỉ của đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như thế nào?
Đương sự trong vụ án dân sự có nghĩa vụ cung đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình. Việc cung cấp địa chỉ của các đương sự trong vụ án dân sự nhằm xác định đúng thẩm quyền xét xử của Tòa án, cũng như việc liên hệ với các bên đương sự trong quá trình xét xử.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 01/2020/NQ-HDTP quy định các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ.
Điều 5 Nghị quyết 01/2020/NQ-HDTP quy định về nghĩa vụ cung cấp địa chỉ của đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như sau:
Địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
1. Địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
2. Về địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thành viên dòng họ:
a) Trường hợp đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
b) Trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quyền, nghĩa vụ của thành viên dòng họ chưa tham gia tố tụng sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.
Theo đó, ngoài xác định thẩm quyền xét xửu của Tòa án, các bên tranh chấp phải cung cấp địa chỉ để xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự.
Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, khi đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên trong dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như thế nào?
Nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được quy định tại Điều 6 Nghị quyết 01/2020/NQ-HDTP cụ thể:
Nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Việc nhập để giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật;
2. Các yêu cầu khởi kiện cùng liên quan đến tài sản chung của dòng họ;
3. Việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Theo đó, Tòa án nhập hai hay nhiều vụ tranh chấp về tài sản chung của dòng họ khi đáp ứng đủ các điều kiện:
– Việc nhập vụ án nhằm đảm bảo giải quyết trong cùng một vụ án đúng pháp luật;
– Yêu cầu khỏi kiện của đương sự các vụ án cùng liên quan đến tài sản chung của dòng họ;
– Việc nhập và giải quyết các vụ án chung trong một vụ án không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.