I. Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì?
1. Khái niệm
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
– Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
– Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Tranh chấp hợp đồng dân sự là những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng.
2. Đặc điểm
Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:
– Có hợp đồng giữa các bên, Hợp đồng được giao kết theo 03 hình thức:
+ Lời nói
+ Hành vi
+ Văn bản.
– Khi tranh chấp phát sinh, sự thỏa thuận giữa các bên không còn tồn tại và thống nhất
– Chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng được giao kết
– Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích giữa các bên tranh chấp
– Có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc một trong các bên cho rằng bên kia vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Các tranh chấp hợp đồng dân sự
Hiện nay, tồn tại khá nhiều dạng hợp đồng dân sự như: Hợp đồng mua bán tài sản, hàng hóa; hợp đồng vay tài sản; hợp đồng thuê tài sản; hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa; hợp đồng gia công; hợp đồng ủy quyền;… được quy định trong Bộ Luật dân sự 2015.
Dù đã có thỏa t huận và giao kết hợp đồng. Nhưng thông thường, các bên trong quan hệ hợp đồng dân sự thường tranh chấp những nội dung như:
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
– Thời điểm chuyển giao rủi ro
– Thời điểm giao hàng, thời điểm thanh toán
– Quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng
– Giá cả, phương thức thanh toán
– Đối tượng của hợp đồng
– Số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm
4. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự
- Thương lượng
Hợp đồng là sự thỏa thuận. Do vậy, thương lượng là phương thức ưu tiên áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa các bên
Theo đó các bên tiến hành trao đổi, thỏa thuận về những bất đồng và đi đến một thỏa thuận thống nhất. Để thương lượng đạt hiệu quả cao nhất, các bên cần hiểu rõ về hợp đồng và các quy điinhj của pháp luật để cùng ngồi thương lượng. Mà bản chất của thương lượng là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, không có sự xuất hiện của bên thứ ba. Do vậy, các bên có thể nhờ luật sư tham gia với vai trò là người đại diện để quá trình thương lượng đạt hiệu quả hơn.
- Hòa giải
Hòa giải cũng là quá trình trao đồi, thỏa thuận và mang lại sự thỏa thuận thống nhất. Nhưng hòa giải khác với thương lượng là có sự can thiệp của bên thứ ba, là người trung gian đứng ra giải quyết xung đột, mâu thuẫn và đưa ra sự thống nhất.
II. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Nhìn chung, pháp luật ưu tiên các bên tự thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì các bên có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.
1. Các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định Luật tài nguyên nước 2012.
– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định Luật Bảo vệ và phát triển rừng (được thay thế bởi Luật Lâm Nghiệp 2017).
– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Các yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Cụ thể tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
– Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi ành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
– Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
III. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự tại Tòa án
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định như sau:
– Hầu hết, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
– Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài theo Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
– Ngoài ra, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán và giải quyết vụ án, đồng thời Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản đến các đương sự và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc đã thụ lý vụ án.
Quá trình giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm và các thủ tục khác theo quy định chung về tố tụng dân sự.
Liên hệ với LUẬT NAM BÌNH để được tư vấn chi tiết về nội dung này.