Sau khi thành lập, doanh nghiệp sẽ được cấp mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế. Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh tại Việt nam có khá nhiều các loại thuế doanh nghiệp cần nộp. Tuỳ vào ngành nghề, doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ với các loại thuế khác nhau. Tuy nhiên, dù là loại doanh nghiệp nào thì cũng có điểm chung là phải nộp 4 loại thuế cơ bản sau: Thuế môn bài, thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
1. Thuế môn bài (Lệ phí môn bài)
1.1. Khái niệm
Thuế môn bài hay lệ phí môn bài là thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp theo Pháp luật Thuế Công thương nghiệp 1983.
1.2. Đối tượng nộp thuế
Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh đều phải nộp lệ phí môn bài trừ trường hợp: Doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc mới chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian 03 năm tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu tiên.
1.3. Mức thu lệ phí môn bài
Căn cứ Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí môn bài như sau:
– Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm;
+ Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn Bộ Tài chính.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):
Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Lưu ý: Đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
1.4. Thời hạn nộp thuế
Doanh nghiệp khi kết thúc thời hạn được miễn lệ phí môn bài thì phải nộp thuế môn bài:
“Nếu thời gian miễn lệ phí môn bài kết thúc trong 06 tháng đầu năm, hạn nộp là 30/7 cùng năm.
Nếu thời gian miễn lệ phí môn bài kết thúc trong 06 tháng cuối năm, hạn nộp là 30/1 năm đó.”
2. Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT)
2.1. Khái niệm
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
2.2. Mức thuế GTGT
Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
– Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
– Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.
– Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.
– Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
– Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
– Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
– Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
– Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
– Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.
– Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định Luật Khoa học và Công nghệ 2013.
– Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở 2014.
* Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng hàng hóa nêu trên và các hàng hóa có mức thuế suất 0% theo khoản 1 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
3.1. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu thập doanh nghiệp 2006 sửa đổi 2013 bao gồm:
– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
– Thu nhập khác, bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
+ Thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
+ Thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được;
+ Khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
+ Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
3.2. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại Điều 10 Luật Thuế thu thập doanh nghiệp 2006 sửa đổi 2013 quy định về thuế suất như sau:
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ đối tượng được ưu đãi về thuế suất tại Điều 13 Luật Thuế thu thập doanh nghiệp 2006 sửa đổi 2013 và trường hợp sau:
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
3.3. Thời hạn nộp thuế
Doanh nghiệp sẽ nộp thuế TNDN theo quý, hạn nộp là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
- Thuế thu nhập cá nhân
4.1. Khái niệm
Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế doanh nghiệp nộp giúp người lao động, cụ thể:
Theo Điều 24 Luật Thuế thu thập cá nhân 2007 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú như sau:
– Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với các loại thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế;
– Cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4.2. Mức thuế thu nhập cá nhân của người lao động theo biểu thuế lũy tiến từng phần
– Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Thuế thu thập cá nhân 2007.
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng) |
Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
4.3. Mức thuế thu nhập cá nhân của người lao động theo biểu thuế lũy tiến toàn phần
– Biểu thuế toàn phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 2 Điều 21Luật Thuế thu thập cá nhân 2007.
– Biểu thuế toàn phần được quy định như sau:
Thu nhập tính thuế | Thuế suất (%) |
Thu nhập từ đầu tư vốn | 5 |
Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại | 5 |
Thu nhập từ trúng thưởng | 10 |
Thu nhập từ thừa kế, quà tặng | 10 |
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Thuế thu thập cá nhân 2007
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Thuế thu thập cá nhân 2007 |
20
0,1 |
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản | 2 |
4.4. Thời hạn nộp thuế
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
5. Nộp thuế doanh nghiệp ở đâu?
Hiện nay, việc nộp thuế trở nên dễ dàng, thuận tiện với nhiều lựa chọn hơn cho doanh nghiệp
- Nộp trực tiếp tại kho bạc nhà nước;
- Nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế;
- Nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng;
- Thực hiện giao dịch điện tử thông qua chữ ký số.
Trên đây là 4 loại thuế cơ bản, thường phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty có hoạt động sản xuất thông thường. Ngoài ra, phụ thuộc vào hoạt động thực tế của công ty còn có thể phát sinh một số loại thuế sau: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ mội trường, lệ phí trước bạ …Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Nam Bình để được tư vấn, hỗ trợ.