Bàn về quyền con người trong tố tụng hình sự

1. Quyền con người là gì?

Quyền con người và pháp luật là hai yếu tố không thể tách rời mà có tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng. Mặc dù quyền con người có tính “bẩm sinh” nhưng nó không thể chính thức tồn tại nếu không có pháp luật. Trước hết, vai trò quan trọng của pháp luật đối với quyền con người là nó ghi nhận (xác lập), củng cố, hoàn thiện quyền con người. Pháp luật ghi nhận các quyền của con người được xã hội thừa nhận. Thông qua pháp luật, quyền con người được lên tiếng bảo vệ. Để bảo đảm quyền con người, pháp luật đưa ra những điều cấm và những hành vi bắt buộc phải làm nhằm ngăn ngừa và chống lại các hành vi vi phạm quyền con người. Quyền con người được pháp luật xác lập là thiêng liêng, không thể xâm hại một cách tuỳ tiện và được bảo vệ bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế của xã hội, Nhà nước. Quyền con người được pháp luật xác lập mang tính tối cao, ổn định không dễ dàng thay đổi. Điều 50 Hiến pháp 1992 khẳng định: quyền con người được quy định trong Hiến pháp và luật – là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, nó buộc mọi người phải tôn trọng.

Close up of a group of graduates holding hands in a fist bump

2. Quyền con người trong Tố tụng hình sự là gì?

Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dần, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có thể phát hiện ra tội phạm, ngăn chặn các hành vi phạm tội, tiến hành các hoạt động tố tụng thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự là cần thiết, khách quan, mang tính phổ biến và hậu quả của nó là hạn chế một cách trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định.

Quyền con người trong tố tụng hình sự là tập hợp các quyền thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị nhằm mục đích khẳng định danh dự, nhân phẩm của con người trong mọi hoàn cảnh, bảo vệ các cá nhân khỏi sự tùy tiện và sự lạm quyền của các cơ quan và nhân viên nhà nước trong các hoạt động tố tụng hình sự.

Quyền con người trong tố tụng hình sự được quy định trong Hiến pháp, các luật vể tổ chức và hoạt động tư pháp, chủ yếu là trong pháp luật tố tụng hình sự bởi pháp luật tố tụng hình sự chi phối hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Trong tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng dễ xâm phạm đến quyền con người. Vì vậy hoạt động tố tụng hình sự trong mọi quốc gia phải rất thận trọng và chú trọng việc bảo vệ quyền con người, cụ thể là hạn chế và ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền từ phía những cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế, giảm thiểu các nguy cơ xâm phạm một cách bất hợp pháp quyền của họ.

3. Một số quyền con người trong tố tụng hình sự

Quyền con người trong tố Tụng hình sự bao gồm: Quyền được xét xử công bẳng bởi một thủ tục tố tụng hình sự; Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và quyền tự do cá nhân khác. Mọi trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế trách nhiệm hình sự phải trên cơ sở luật định; Quyền được suy đoán vô tội; Quyền được bào chữa và biện hộ, quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ; Người chưa thành niên, Người bị hạn chế về năng lực nhận thức hoặc điều khiển hành vi phải được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt; Quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm, quyền được nhanh chóng minh oan, quyền không bị kết tội hai lần về cùng một hành vi…; Các quyền con người trong thi hành án hình sự và sau xét xử…

3.1. Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện

Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về các biện pháp ngăn chặn để hạn chế tới mức thấp nhất sự tùy tiện trong việc bắt, giam giữ người. Nội dung của quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện gồm: không được bắt giữ người người không có căn cứ; bắt giữ người không đúng thẩm quyền, bắt giữ người không đúng thủ tục; bắt người, giam giữ người chưa cần thiết.

Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện là cốt lõi của tự do và an toàn cá nhân. Nếu quyền tự do và an toàn cá nhân của con người không được đảm bảo một cách hiệu quả thì việc bảo vệ các quyền cá nhân khác sẽ dễ bị tổn thương và không thực tế. Khi nhân quyền này bị vi phạm thì sẽ kéo theo một số hệ quả là các nhân quyền khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng theo như quyền không phân biệt đối xử; quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của người bị tước tự do; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền được tự do tín ngưỡng…

Tuy vậy, trong TTHS, quyền này vẫn có nguy cơ bị vi phạm khi các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn một cách tùy tiện, nhất là khi áp dụng biện pháp bắt người, tạm giữ và tạm giam để điều tra, truy tố và xét xử.

3.2. Quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục

Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó. Mục đích của quyền này bảo vệ phẩm giá và sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần của cá nhân và ngăn cấm: các hành động gây ra đau đớn về thể chất lẫn tinh thần; các hành động nhục hình, đánh đập tàn nhẫn để trừng phạt tội phạm hay để giáo dục, rèn luyện đối với học sinh, bệnh nhân.

Như vậy, quyền này có thể bị vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng trong TTHS là rõ nét nhất, đặc biệt là tại giai đoạn điều tra khi việc truy bức, dùng nhục hình người bị nghi ngờ phạm tội có thể được sử dụng như là cách nhanh nhất để lấy lời khai người bị buộc tội…

3.3. Quyền được xét xử nhanh chóng, không bị trì hoãn

Quyền này có một ý nghĩa quan trọng trong TTHS vì việc áp dụng pháp luật không chỉ cần đúng đắn mà còn phải kịp thời. Nếu công lý không được thực hiện kịp thời thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Trước hết đối với quyền lợi của những người bị hại thì rõ ràng là vụ án càng kéo dài càng bị ảnh hưởng (trừ trường hợp có sự thỏa thuận bồi thường giữa các bên trong vụ án). Ngoài ra, tâm lý theo đuổi vụ án kéo dài cũng rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hàng ngày của những người tham gia tố tụng. Sau đó, chính bản thân những người bị tình nghi phạm tội, những người bị buộc tội cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ngay cả người bị buộc tội có bị kết án đi chăng nữa thì việc chờ đợi quá lâu một hình phạt đối với mình cũng bị xem là một hành động tra tấn.

3.4. Quyền được xét xử công bằng

Đây thực chất là một tập hợp các đảm bảo tố tụng nhằm bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, gồm: Bình đẳng trước Tòa án; Được xét xử bởi một Tòa án độc lập, không thiên vị, công khai; Được suy đoán vô tội; Không bị áp dụng hồi tố; Không hình sự hóa vụ án dân sự. Trong pháp luật Việt Nam, quyền này được thể hiện bằng nhiều quy định trong Hiến pháp và BLTTHS. Pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam đều ghi nhận quyền xét xử công bằng là quyền cơ bản của người bị buộc tội trước cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao. Một phiên tòa công bằng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm các quyền cơ bản khác của con người như quyền sống, quyền tự do thân thể, quyền tự do ngôn luận …

Tuy nhiên, để có một phiên tòa công bằng thì cũng cần phải đảm bảo bởi rất nhiều yếu tố. Và do đó, trong thực tế, quyền này dễ bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau.

4. Bất cập

Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chưa được bảo đảm triệt để

Việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được thực hiện, thực hiện không kịp thời, không đầy đủ quyền bào chữa. Một số luật sư non kém tay nghề, thiếu nhiệt tình, làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc bào chữa. Với những vụ án mà Luật sư tham gia do chỉ định thì có tình trạng Luật sư tham gia phiên tòa một cách lấy lệ, chưa thực sự nhiệt tình để bảo chữa cho thân chủ.

Còn nhiều hạn chế trong bảo đảm cho Luật sư thực hiện quyền bào chữa. Hiện nay, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong giới luật sư là vấn đề cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư.

Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội còn nhiều bất cập

Thực tiễn vẫn còn tồn tại các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội được xét xử tái thẩm, giám đốc thẩm có xu hướng gia tăng cả về số vụ án và số bị cáo. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội; phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

Tình trạng bắt, giam giữ người tùy tiện còn tồn tại

Trên thực tế đã có những trường hợp bắt giam người rất tùy tiện. Đó là vụ việc “con bị xâm hại, mẹ thành bị can” của mẹ con cô giáo Bùi Thị Đ (giáo viên ở Tp Sơn La, tỉnh Sơn La) xảy ra vào năm 2010. Đây có thể xem là một vết chàm đối với công tác tiến hành tố tụng. Ngoài ra, số lượng người bị tạm giữ được trả tự do vì không vi phạm tội hoặc xử lý hành chính là rất lớn cho nên việc xảy ra tình trạng bắt, giữ người mà chưa có đủ căn cứ buộc tội có làm ảnh hưởng tới quyền con người hay không?

Xét xử oan sai

Trong thực tế, các vụ án càng phức tạp thì nguy cơ bị cáo phải áp dụng biện pháp tạm giam lại càng lớn, thời gian điều tra đồng nghĩa với thời giam tạm giam lại càng lâu. Việc điều tra phiến diện, không đầy đủ lại dễ dẫn đến xét xử oan sai. Do đó, nó lại hàm chứa càng nhiều các tổn hại trong thực tế. Những vụ án oan sai đã gây ra nhiều hệ lụy không tốt và mất niềm tin đối với người dân.